KHI TRẺ TỨC GIẬN: BỐ MẸ NÊN LÀM GÌ? CÓ NÊN LA HÉT, MẮNG MỎ, PHẠT TRẺ KHÔNG? CON TRẺ CÓ ĐƯỢC QUYỀN NỔI GIẬN KHÔNG?
Việc một đứa trẻ tức giận, la hét, ăn vạ đối với bố mẹ dường như là một vấn đề rất đau đầu, là những hành vi không thể chấp nhận được. Nhưng theo các nhà tâm lí học, việc trẻ em tức giận là việc hoàn toàn bình thường và chấp nhận được. Những đứa trẻ sẽ hành động theo bản năng nhiều hơn theo lí trí và có cảm xúc mạnh mẽ, khả năng kiềm chế cảm xúc thấp hơn người lớn. Chính vì thế, khi không có được món đồ mình muốn, khi không được đáp ứng yêu cầu… trẻ sẽ tức giận và thể hiện sự tức giận của mình rất mạnh mẽ. Những cách ứng xử của trẻ khi tức giận có thể khiến bố mẹ tức giận và hành động không kiểm soát: la hét trở lại, mắng mỏ, thậm chí là phạt trẻ.
Nhưng những cách đó liệu có hiệu quả?
Trẻ con không được sinh ra với khả năng kiềm chế cảm xúc, hành động theo cảm tính nhiều hơn là lí tính mặc dù sẽ có những em bé tinh tế hơn, giận dữ ở cấp độ nhẹ hơn những em bé khác. Nhưng bất kì đứa trẻ nào, dù ngoan đến mấy, cũng sẽ có những lúc tức giận. Trẻ thường thể hiện cảm xúc mạnh mẽ và đó không phải là lỗi của trẻ, đó là một việc hoàn toàn tự nhiên. Chính chúng ta cũng cảm thấy trẻ rất đáng yêu khi trẻ thể hiện tình yêu với cha mẹ rất mạnh mẽ, tự nhiên khi chúng còn nhỏ, khi chúng háo hức, say sưa với những thứ chúng thích một cách không giấu diếm…. Nhưng khi trẻ tức giận chúng ta lại tức giận, thật mâu thuẫn. Trách nhiệm của bố mẹ chính là dạy trẻ cách hành xử đúng mực với cảm xúc của mình, chứ không phải la hét trẻ.
Vậy, hành xử như thế nào khi trẻ đang tức giận?
Việc đầu tiên bố mẹ cần làm là thừa nhận, việc trẻ tức giận là HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG VÀ CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Trẻ sẽ cần thời gian để rèn luyện trí tuệ cảm xúc của mình. Đừng mặc định là con thì phải nghe lời cha mẹ, không được nổi giận. Trẻ con sinh ra với khả năng kiềm chế cảm xúc kém nên mới cần cha mẹ dạy dỗ để có thể hoàn thiện hơn.
Việc thứ hai, bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu cảm xúc của mình và CÔNG NHẬN CẢM XÚC CỦA TRẺ. Bạn không cần phải đồng tình với thái độ tức giận của trẻ, không cần đồng ý với những yêu cầu của trẻ, không cần cảm thông rằng trẻ tức giận vì chuyện đó là đúng nhưng bạn hãy công nhận cảm xúc của trẻ: Con đang tức giận vì việc gì. Việc được bố mẹ hiểu cảm xúc sẽ giúp trẻ bớt tức giận hơn và nhận diện cảm xúc của mình.
Việc thứ ba, hãy CHO PHÉP TRẺ ĐƯỢC TỨC GIẬN, cho phép trẻ thể hiện cảm xúc tức giận của mình: có thể khóc lóc, có thể rên rỉ, có thể la hét một chút…. Bố mẹ cũng nên cho phép trẻ những cách để GIẢI TỎA CƠN TỨC GIẬN như cắt giấy, đấm vào gối, chọc vẽ lung tung trên giấy…. Nhưng trẻ sẽ không được phép đánh người khác, không được đập phá đồ đạc… Ranh giới giữa cảm xúc và hành động được phép làm, không được phép làm cần hết sức rõ ràng với trẻ. Nếu trẻ muốn và bố mẹ có thể chấp nhận được, bố mẹ có thể ở bên cạnh trẻ khi trẻ tức giận, còn không bố mẹ có thể ở phòng khác để bé tự xử lí cảm xúc của mình. Nhưng để bé ở một mình không có nghĩa là phạt trẻ ở một mình vì tức giận mà là cho trẻ thời gian để nguôi giận. Nếu trẻ nghĩ đó là phạt và không muốn bị ở một mình, hãy ngồi bên cạnh trẻ. Và sau khi xả xong cơn tức giận, trẻ sẽ phải dọn dẹp lại “bãi chiến trường”.
Việc thứ tư, sau khi trẻ đã qua cơn tức giận, đó mới là lúc bố mẹ và trẻ nói chuyện với nhau. Khi đang tức giận, trẻ sẽ không muốn nghe gì cả. Nên để trẻ nguôi giận rồi mới nói chuyện. Bố mẹ nên mở đầu câu chuyện bằng việc mô tả lại vấn đề, con muốn gì và nhắc lại, KHẲNG ĐỊNH LẠI MONG MUỐN CỦA TRẺ. Sau đó mới là bố mẹ nghĩ thế nào và phương án giải quyết là gì. Việc được bố mẹ hiểu mong muốn của mình cũng sẽ giúp trẻ nguôi giận hơn, tranh luận vào trọng tâm hơn.
Không nên tranh cãi đúng sai với trẻ, hãy đi vào vấn đề “giải quyết như thế nào”. Ví dụ, “Con muốn ăn bánh nhưng mẹ nghĩ ăn bánh giờ này là không phù hợp vì sắp đến giờ ăn cơm rồi. Con có cách nào để xử lí không?” Đôi khi trẻ sẽ đưa ra những phương án không ngờ, chứng tỏ khả năng tư duy và giải quyết vấn đề rất tốt của mình.